6/2/09

10 CEO hàng đầu thế giới bị sa thải năm 2008

Cuộc khủng hoảng tài chính khiến hàng loạt “gã khổng lồ” trong ngành tài chính, ngân hàng… gục ngã. Chưa năm nào người ta phải chứng kiến CEO của những tập đoàn hàng đầu thế giới bị buộc rời khỏi chiếc ghế quyền lực của mình nhiều như năm qua.

Sau đây là top 10 CEO bị sa thải trong danh sách do Tạp chí Forbes thực hiện cuối tháng 12/2008.

1. Martin Sullivan, CEO của AIG




Martin Sullivan - CEO của AIG. Ảnh: bloomberg.

Năm 2008, lãnh đạo của AIG chắc hẳn sẽ giành giải quán quân về độ “trơ tráo” khi họ đã tiêu gần 400.000 USD cho kỳ nghỉ tại khu nghỉ mát thuộc hàng sang trọng, đắt tiền nhất nước Mỹ sau khi AIG được chính phủ cứu thoát khỏi bờ vực phá sản. Vào hồi tháng 9, ban lãnh đạo cho rằng ông Sullivan, 53 tuổi, phải chịu trách nhiệm về sự bất tài của mình trong việc sử dụng gói cứu trợ 85 tỷ của chính phủ và đã mời ông ký vào lá đơn sa thải. Thế chỗ cho Sullivan để điều hành AIG trong một khoảng thời gian ngắn ngủi là Robert Willumstad. Sau đó được thay thế bằng vị CEO hiện giờ là Edward Liddy.

2. Kerry Killinger, CEO của Washington Mutual



Kerry Killinger, CEO của Washington Mutual. Ảnh: businessweek.

Có thể nói, sự sụp đổ của Washington Mutual trong năm 2008 là thất bại lớn nhất trong lịch sử của ngân hàng Mỹ. Ngân hàng có trụ sở ở Seattle này đã làm ăn thịnh vượng trong suốt 18 năm dưới “đế chế” Killinger, nhưng sau đó nó đã lâm vào tình cảnh nợ nần chồng chất do bị lún sâu vào những vụ cho vay thế chấp nhà ở trả góp và các cuộc khủng hoảng tài chính liên tiếp. Killinger, 49 tuổi, đã bị mất việc vào tháng 9/2008. Ngay sau đó, Uỷ ban bảo hiểm tiền gửi Liên bang đã phải “xắn tay” kiểm soát ngân hàng đang trong tình cảnh hỗn loạn này và sau đó thì bán lại một phần cho JPMorgan Chase.

3. Jerry Yang, CEO của Yahoo!




Ông Jerry Yang - CEO của Yahoo!. Ảnh: AFP.

Trả giá vì đặt niềm tin vào nhầm chỗ chính là ban giám đốc và các cổ đông của Yahoo hiện giờ. Kể từ khi nhận chức thay cho ông Terry Semel vào tháng 6/2007, Jerry Yang được rất nhiều người kỳ vọng khi hứa hẹn sẽ nâng Yahoo lên một tầm cao mới với mục tiêu “tập trung đa dạng hóa các dịch vụ trực tuyến, đẩy mạnh sức sáng tạo và nâng cao lợi nhuận”. Tuy nhiên, sau một năm rưỡi điều hành, “thành tích” nổi bật của Yang là làm cho Yahoo mất đi vị thế cạnh tranh với Google, lỡ mất cơ hội trong thương vụ sát nhập béo bở với Microsoft và cổ phiếu của công ty đã mất hơn 50% giá trị.

Quá mất kiên nhẫn với cách chèo lái của “vị thuyền trưởng tài ba” này, tháng 11/2008 vừa qua, Yahoo đã tuyên bố Yang sẽ phải “cuốn gói” ra đi khi họ tìm được người thay thế. Cuộc tìm kiếm người thế chỗ cho Yang đến giờ vẫn còn tiếp tục.

4. Ken Thompson, CEO của Wachovia

Cuộc khủng hoảng cho vay thế chấp nhà ở trả góp như là thiên thần báo tử cầm lưỡi hái gieo rắc cái chết cho các ngân hàng trên toàn nước Mỹ và Wachovia mà đứng đầu là Ken Thompson, là một trong những nạn nhân lớn nhất của nó. Điều này khiến cho ban giám đốc của ngân hàng lớn thứ tư của Mỹ (dựa trên tổng tài sản) buộc phải sa thải vị thương gia 58 tuổi này hồi tháng 6/2008. Một tháng sau đó, ngân hàng này đã thuê cựu thứ trưởng tài chính Mỹ ông Robert Steel thay thế chức vụ của Thompson.

5. Daryl Brewster, CEO của Krispy Kreme

Daryl Brewster là CEO của hãng thức ăn nhanh nổi tiếng Krispy Kreme Doughnuts. Năm 2006, vị chuyên gia kỳ cựu về ẩm thực này đã được thuê về làm CEO với hy vọng ông sẽ phục hồi thương hiệu đã từng có thời hoàng kim năm 2003. Nhưng mọi nỗ lực của Brewster đã thất bại. Ông từ chức hồi đầu tháng 1/2008 vì những lý do cá nhân nhưng theo các nhà phân tích thì lý do chính là ban giám đốc không ưa ông. James Morgan đã thay thế chức vụ của Brewster ngay sau khi ông ra đi. Tuy nhiên, ai là giám đốc giờ đây không còn là vấn đề bận tâm của Krispy Kreme nữa. Điều người ta quan ngại nhất là liệu công ty này còn có khả năng giành lại được giá cổ phiếu ở mức 50 USD và mức tăng trưởng nhanh chóng mà nó đã từng có 5 năm trước nữa hay không.

6. Phillip Schoonover, CEO của Circuit City

Khi tuyển Phillip Schoonover vào vị trí CEO, ban giám đốc của Circuit City hy vọng rằng những kinh nghiệm mà Schoonover đã từng làm cho đối thủ số 1 của họ là Best Buy sẽ làm cho tình hình kinh doanh ở hãng này sáng sủa hơn. Nhưng thật đáng buồn, ông lại làm cho nó tồi tệ hơn bởi một vụ phá sản. Công ty bán lẻ đồ điện tử gia dụng này đã không thể đứng vững được sau 4 năm điều hành của vị giám đốc 48 tuổi này. Phillip Schoonover đã nhận được thông báo cho thôi việc vào tháng 6/2008 và chỉ một thời gian ngắn sau đó, Blockbuster, một công ty nhăm nhe mua lại Circuit City trước đó, cũng từ bỏ ý định thâu tóm của mình. Điều này đã khiến cho Circuit City buộc phải đóng cửa hàng loạt các cửa hàng trên toàn nước Mỹ và nộp hồ sơ xin phá sản vào tháng 11/2008.

7. Richard Syron, CEO của Freddie Mac

Freddie Mac vốn là “nickname” của “Federal Home Loan Mortgage Corporation” (Tập đoàn vay mua nhà trả góp liên bang – FHLMC), được thành lập năm 1970. Đây là một định chế tài chính được chính phủ bảo trợ, với nguồn vốn từ các thị trường tài chính quốc tế, chuyên mua các khoản vay mua nhà trả góp từ các ngân hàng và các hãng cho vay khác rồi bán lại cho các nhà đầu tư. Trong cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ, đây là nơi đầu tiên được Chính phủ ra tay giải cứu. CEO của Freddie Mac, ông Syron, 64 tuổi cùng với CEO của Fannie Mae, ông Daniel Mudd, là tâm điểm của búa rìu dư luận khi xảy ra vụ khủng hoảng cho vay thế chấp nhà ở trả góp. Vị trí của Syron đã bị lung lay hồi cuối năm ngoái và đến tháng 9 năm nay thì ông chính thức bị sa thải. Sau khi đổ một đống tiền vào và đoạt quyền kiểm soát ngân hàng này, chính phủ Mỹ đã ngay lập tức sa thải vị CEO này và cầu viện đến những chuyên gia giải cứu hàng đầu.

8. Daniel Mudd, CEO của Fannie Mae

Tên đầy đủ của Fannie Mae là “Federal National Mortgage Association” (Hiệp hội vay thế chấp quốc gia – FNMA). Fannie Mae thành lập từ năm 1938 với mục đích hỗ trợ hàng triệu gia đình không đủ khả năng mua nhà hoặc có nguy cơ mất nhà do thiếu nguồn tài trợ vay vốn. Sau vụ mua lại lớn nhất lịch sử của Chính phủ Mỹ, CEO của công ty này là Daniel Mudd, 49 tuổi, cũng cùng chung số phận với Richard Syron của Freddie Mac. Cả hai người này đã đổ rất nhiều tiền của để cứu ngân hàng của mình nhưng tất cả đã như muối bỏ biển bởi sự thất thoát quá lớn trong cuộc khủng hoảng cho vay thế chấp nhà ở trả góp. Khi chính phủ phải nhảy vào cứu viện thì số phận của họ đã bị định đoạt.



Daniel Mudd, CEO của Fannie Mae. Ảnh: businessweek.

9. James Cayne, CEO của Bear Stearns

Mọi người cho rằng “đế chế” cực kỳ thành công của Cayne đã chấm dứt từ cái ngày mà ông chủ của Bear Stearns, một trong những tập đoàn môi giới chứng khoán và ngân hàng đầu tư hàng đầu của Phố Wall, bắt đầu cuộc chơi bài bridge vào một ngày cuối tuần của mùa hè năm 2007. Đó cũng là lúc ông nghe tin các quỹ cho vay mạo hiểm của công ty đã tan thành mây khói. Cayne, 74 tuổi, đã dành cả đời mình cho sự nghiệp ở Bears và sự nghiệp vẻ vang ở đó cũng đã giúp ông trở thành một trong những người giàu nhất nước Mỹ. Tất cả đã thay đổi khi cổ phiếu của công ty rớt xuống vực thẳm và cuối cùng bị JPMorgan Chase thâu tóm với giá rẻ như bèo 2USD cho cổ phiếu.

10. Richard Fuld, CEO của Lehman Brothers



Richard Fuld, CEO của Lehman Brothers. Ảnh: businessweek.

Mọi người đều cho rằng Richard Fuld, CEO 62 tuổi của Lehman Brothers, xứng đáng nhận danh hiệu nhà lãnh đạo đáng hổ thẹn nhất năm 2008. Ông đã nhận được “vinh dự” này sau khi bị một nhân viên thụi vào mặt ngay trong phòng tập thể dục của công ty hồi tháng 10/2008. Lehman đã nộp hồ sơ xin phá sản một tháng trước đó. Điều này khiến cho hầu hết nhân viên của công ty đều muốn đánh một ai đó để xả giận và anh chàng nhân viên dũng cảm nào đó đã chọn đúng vị giám đốc đáng kính của mình.

Vào tháng 11/2008, công ty quyết định sa thải Richard Fuld. Một điều thật nực cười là khi công ty sụp đổ, hàng loạt cổ đông khánh kiệt trong khi vị CEO này lại phát tài với những khoản lương, thưởng và bồi thường chất cao như núi. Tổng tiền mà ông nhận được để cầm quyết định sa thải lên đến 300 triệu USD. Bản điều trần mà ông gửi lên Quốc hội về sự sụp đổ của ngân hàng cho thấy rằng ông ta thậm chí không nghĩ mình đã làm sai điều gì.


VnExpress theo Forbes

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét